Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Một góc nhìn khác về cô bé Lọ Lem

Ngày X tháng Y năm ZZZZ,

Anh ơi,

Hồi còn bé tí ti ấy, em đã luôn tin rằng chỉ cần tốt bụng và can đảm thì em sẽ hạnh phúc. Bây giờ em đã lớn hơn và em vẫn tin như vậy, nhưng em đã bớt kì vọng vào mọi người rồi.
Em từng đọc ở đâu đó rằng khi bạn xem phim hoạt hình và bắt đầu suy nghĩ đến những khía cạnh khác của nó mà trước giờ bạn chưa từng nghĩ đến, thì bạn chính là đã trưởng thành.

Cả thế giới của em ngày ấy tràn ngập những câu chuyện cổ tích về cô bé Lọ Lem can trường và xinh đẹp, dù cho bị đối xử ghẻ lạnh suốt mười mấy năm nhưng cô ấy vẫn không đánh rơi nụ cười hồn nhiên và trái tim lương thiện của mình. Lúc ấy em nghĩ em hoàn toàn có thể làm việc ấy, vì em đối xử với họ thật lòng như vậy thì làm sao có chuyện họ lại đối xử ác với em được.

Nhưng anh ơi, em sai rồi.

Lòng người y hệt như tỉ lệ lạm phát, nó thay đổi theo thời kì phát triển kinh tế, khó đoán vô cùng và khó phòng tránh vô biên. Chỉ vì vài triệu mà tình yêu có thể trở nên đẫm máu, tình thân ruột thịt mười mấy năm thoáng chốc vụt tan trong tầm tay. Hôm nay ta là tri kỉ, ngày mai biết đâu ta lại chẳng còn nhìn mặt nhau. Hôm nay ta là người thân cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, ngày mai biết đâu ta lại cùng nhau đứng trong tòa án! Em cứ mong rằng em cho người ta 10 đồng thì người ta sẽ cho em lại 10 đồng, hay thậm chí là 9 đồng cũng được. Nhưng sự thực là, người ta có thể vu khống cho em tội đút lót và tống em vào tù cũng nên.

Em không trách người, vì suy cho cùng thì “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Nếu họ không lo cho bản thân họ thì ai sẽ lo cho bản thân họ đây? Núi mà còn có thể thay đổi hình dạng, thì cớ gì chúng ta lại không thể thay đổi tính cách? Chỉ đơn giản là khi thời gian trôi đi thì hai mảnh ghép tâm hồn của chúng ta dần trở nên không vừa vặn với nhau nữa. Khi em không mang vừa một đôi giày cũ, em cũng không thể giữ nó mãi mà phải đem chúng đi cho những ai cần nó hơn, đúng không anh?

Điều làm em đau đớn nhất không phải là việc họ rời đi, mà chính là việc họ rời đi mà không nói với em một lời tạm biệt. Em chỉ trách bản thân mình, đã quá ảo tưởng vào vị trí của bản thân trong lòng người khác.

Chúng ta đã cùng nhau trải qua không ít vui buồn, chẳng lẽ trong lòng không vương vấn chút nào sao? Tất cả những gì em làm trong ngần ấy năm, chẳng lẽ không đọng lại được một chút xúc cảm nào trong lòng họ sao?

Tại sao họ lại có thể đối xử với em như vậy, trong khi em đã hết lòng hết dạ với họ?

Có lẽ vì hiểu cái trái ngang ấy, mà anh lúc nào cũng nhắc nhở em “Đừng kì vọng quá vào người khác”. Em đã hiểu vì sao anh luôn lo lắng cho em khi thấy em coi trọng người khác quá nhiều, vì anh sợ em bị tổn thương.

Anh à, em vẫn sẽ tin vào truyện cổ tích cô bé Lọ Lem. Nhưng em tin rằng để được hạnh phúc, em không chỉ cần can đảm và tốt bụng, mà em còn phải biết can đảm đúng lúc và tốt bụng với đúng người nữa. Để cho em không phải vắt kiệt hết lòng tin vào những mối quan hệ hời hợt, và bỏ qua những người thật sự yêu thương em vì chính con người em. Như anh vậy đó.
Bí quyết để hạnh phúc của cô bé Lọ Lem không phải là cảm hóa ba mẹ con dì ghẻ, mà chính là xây dựng tình yêu với các bạn chuột và Hoàng tử mà cô tin tưởng thật sự.

Nhân dịp em chính thức trở thành sinh viên năm 2, 



Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

TÔI ĐÃ TỪNG BỊ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ BỞI NGƯỜI LỚN

Điều thứ nhất, bài viết này không phải nói về ba mẹ tôi. Vì họ là người yêu tôi vô cùng và luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ tôi. Suốt cuộc đời tôi có thể nghi ngờ bất kì ai, nhưng không phải họ. Điều thứ hai, bài viết này không phải là công cụ để tôi kể lể cho người khác biết về những nỗi đau của mình vì chúng chẳng có gì đáng cười cả, thật sự là vậy. Đến bây giờ, có thể xem như tôi phần nào được giải thoát, nên tôi cũng chẳng mong muốn đòi lại công bằng vì những chuyện tận đẩu tận đâu không có chứng cứ. Lí do duy nhất cho bài viết này là tôi thật sự mong rằng sẽ không còn những đứa trẻ bị sự phân biệt đối xử làm cho khổ sở suốt cả tuổi thơ như tôi nữa.

Tôi sinh ra đã là chị hai trong gia đình. Vì thế theo lẽ thường, tôi sẽ mang nặng trách nhiệm chăm nom và nhường nhịn em. Điều đó không gọi là quá sai, nhưng cái không đúng ở đây là sử dụng điều đó để áp đặt lên một đứa trẻ. Buồn cười một nỗi, không biết phải do tôi quá ngu ngốc hay quá ngây ngô mà đến tận giờ phút này, khi tóc đã có 2 màu (thật đấy huhu tôi có tóc bạc rồi), tôi mới nhận ra tất cả những tiểu tiết đó là biểu hiện của phân biệt đối xử.

Họ nói rằng, họ cảm thấy ba mẹ thương tôi hơn (vì tôi sinh ra trước), cho nên họ sẽ thương em tôi hơn để bù lại. Thế là trong suốt thời gian dài, tôi cố gắng cái gì cũng dành phần cho cả hai chị em, để họ thấy rằng ba mẹ thương cả hai như nhau. Khi đó tôi được 6 tuổi.

Họ nói rằng, thương cho roi cho vọt, vì thế mỗi khi tôi làm trái ý họ, tôi sẽ bị phạt đánh vào mông theo cấp số cộng, lần sau cộng thêm 1 roi vào lần trước. Trong khi đó, số lần em tôi bị đánh chỉ nằm trên một bàn tay, có khi tôi thấy em tôi bị đánh tôi còn bay vào để chịu đòn chung.

Họ nói rằng, con nít thì phải lễ phép không được cãi với người lớn. Có lần tôi mách mẹ vì họ xưng mày-tao với tôi, kết quả tôi bị xem như tàng hình suốt ba năm trời. Khi đó tôi học lớp 3.

Họ nói rằng, tính cách tôi tình cảm yêu thương người khác. Vì biết điều ấy, cho nên trong suốt quãng đời ấu thơ của tôi, tôi luôn là người phải lẽo đẽo đi xin lỗi người khác mà đôi khi tôi còn chẳng biết mình xin lỗi vì cái gì. Trong khi em tôi thì chỉ cần 1 ngày, thậm chí 1 tiếng đồng hồ, chỉ cần hỏi 1 câu là họ sẽ rối rít nói chuyện lại ngay.

Họ nói rằng tính cách em tôi thường không quá câu nệ tiểu tiết, nói thẳng ra là không quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Vì thế mỗi khi tức giận thì em tôi luôn được tha thứ (vì họ biết em tôi không để chuyện đó trong lòng), còn tôi thì không. Mỗi lần không kìm nén được cảm xúc tôi sẽ bị cho là đứa hỗn láo và bị xem vô hình, bị nói móc để trêu tức.

Họ nói rằng, tôi học giỏi đạt nhiều thành tích tốt là chuyện bình thường. Cho nên mỗi lần tôi đạt học bổng hoặc đứng nhất lớp, họ đều buông một câu: "Chuyện đó với con là quá sức bình thường." Còn em tôi mỗi khi được điểm 10 hoặc trong top 5 của lớp, họ đều rối rít khen và mua đủ thứ quà tặng chúc mừng em tôi. Họ không nhận thức được rằng việc ấy vô tình chứng minh rằng họ đánh giá khả năng của trẻ qua con điểm, những đứa nào học không xuất sắc thì thật đáng thương.

Đó chỉ là một phần trong chuỗi kí ức của tôi về họ. Tôi đã luôn tin rằng họ thương tôi và em ngang nhau, thậm chí tôi còn mong một trong số họ thương tôi nhất, vì người ấy gắn bó với tôi lâu nhất. Nhưng nghĩ lại suốt quãng đường 19 năm, có lẽ tôi đã lầm. Họ vẫn thương tôi, nhưng dù thế nào vẫn không bằng em tôi. Bằng những nhận định chủ quan, họ cho rằng em tôi cần nhiều tình thương hơn tôi, và điều đó dần dần đã trở thành vô thức. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu lần, dằn vặt không biết mình có làm sai chỗ nào không. Ngay cả lần quyết định lên tiếng về sự bất công, tôi cũng phải đi hỏi ý hàng chục người khác nhau để đảm bảo rằng tôi vẫn giữ được đạo người thân trong gia đình. Tất cả những nỗ lực của tôi đều được họ xem như bổn phận của một thế hệ đàn sau phải làm.

Qua câu chuyện này, tôi rất mong mỏi bậc người lớn hãy hiểu rằng dù xuất thân thế nào, gia cảnh ra sao thì trẻ con vẫn mong được đối xử công bằng với nhau. Đừng vì bất kì lí do gì của người lớn như sự sang hèn, vẻ ngoài, tuổi tác... mà đối xử thiên vị với trẻ em. Hãy cho trẻ được thưởng lãm một môi trường công bằng là như thế nào, chí ít là trong quãng đời ấu thơ, để trẻ có thêm niềm tin và tìm cách duy trì sự công bằng trong thế giới thực tại. Thế giới này đã đủ tàn nhẫn với người lớn rồi, mong rằng người lớn có thể giúp trẻ lớn lên một cách bình yên và vẹn toàn nhất.

Dù sao cũng cảm ơn họ, vì đã cho tôi một bài học rất đáng suy ngẫm. Để sau này tôi sẽ đối xử với các con tôi một cách đúng đắn và hợp lí hơn.

_Sắp hết năm 2017_